UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 09-5-2025 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Mục tiêu trọng tâm của kế hoạch là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội; bảo đảm Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân Thủ đô và cả nước.
Việc tổ chức lấy ý kiến được nhấn mạnh phải tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch, khoa học và thực chất; bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm, đồng thời phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Mọi ý kiến đóng góp cần được tập hợp, phân tích, tổng hợp khách quan, phản ánh đầy đủ quan điểm của người dân, các cơ quan, tổ chức và các nhà chuyên môn để làm căn cứ xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.
Việc lấy ý kiến sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt và hiện đại, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận thuận tiện với các tầng lớp nhân dân. Người dân có thể trực tiếp góp ý qua các cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện hoặc gửi văn bản tới các cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến. Các cơ quan, tổ chức cũng được yêu cầu tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị phù hợp với đặc thù lĩnh vực và đối tượng quản lý.
Theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến được triển khai từ ngày 9/5 đến hết ngày 25-5-2025. Việc tổng hợp kết quả thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại văn bản số 2441/BTP-PLHSHC ngày 6-5-2025, trong đó yêu cầu phản ánh trung thực, toàn diện và khách quan các quan điểm đóng góp.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn thể Nhân dân cư trú trên địa bàn thành phố; các cơ quan, tổ chức, ban ngành, đoàn thể các cấp; chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Hà Nội cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự chủ động, phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã trong triển khai nhiệm vụ; xác định rõ thời hạn, trách nhiệm từng đầu mối, gắn kết công tác lấy ý kiến với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để định hướng dư luận, tạo không khí thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm trong Nhân dân; đồng thời kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá.
Việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp không chỉ là một yêu cầu chính trị, pháp lý mà còn là bước đi thể hiện rõ nét tinh thần cầu thị, dân chủ của chính quyền Thủ đô trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Như Quyền